“Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tây Nguyên: Nguyễn Trung Thành. Truyện ngắn viết về những anh hùng của làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, tiêu biểu nhất là Tnú.
Cái đêm cụ Mết kể cho người dân làng Xô Man nghe về cuộc đời Tnú bên ngọn lửa xà nu bập bùng nơi nhà ưng vừa đầm ấm, trang nghiêm lại thật thiêng liêng. Cụ Mết dường như đang kể về một huyền thoại tiếp nối những bản trường ca Tây Nguyên anh hùng. Tnú là một bằng chứng sống động cho lịch sử hào hùng của người dân Xô Man. Trên trang viết của mình, ngòi bút Nguyễn Trung Thành đã xây dựng một nhân vật mang tính sử thi. Cuộc đời Tnu được phản ánh rõnét qua hai chặng: trước và sau khi đi lực lượng.
Tnu cường tráng như một thân xà nu lớn: “hai cánh tay rộng lướn như hai cánh lim chắc”. Tnú mang vẻ đẹp của một con người lí tưởng, mang ngoại hình và tính cách của một anh hùng. Sinh ra và lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của buôn làng, Tnú mang thân phận mồ côi cơ cực. Đời anh khổ song bụng anh sạch trong như nước suối của buôn làng, tâm hồn anh gắn bó, hòa quyện với từng con người, mảnh đất quê hương. Chính sự gắn bó đến máu thịt ấy đã tôi luyện Tnú trở thành một con người gan góc, táo bạo, đầy quả cảm, mạnh mẽ: “Giặc vây các ngả đường, nó leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi... Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang vượt lên trên mặt nước, cưỡi thác băng băng như một con cá kình”. Tnú không biết đến sợ hãi và khuất phục.
Tnu là nhân vật sử thi điển hình. Nguyễn Trung Thành cũng xây dựng cho nhân vật một đời tư như những nhân vật khác, nhưng Tnu trong tác phẩm không được nhìn bằng cái nhìn đời tư mà bằng cái nhìn thông qua vấn đề của cộng đồng, dân tộc. Câu chuyện kể về Tnu thưở nhỏ khiến người đọc dễ dàng nhận ra Tnu là người sớm có lí tưởng cách mạng. Từ khi còn nhỏ, Tnu đã thuộc nằm lòng câu nói của cụ Mết: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Tnú gặp gỡ cán bộ từ nhỏ, học bằng được lí tưởng sống cao đẹp để làm một con người chân chính, đi đầu trong công việc nuôi giấu cán bộ bởi Tnu nghĩ: “Để cán bộ ngủ một mình ngoài rừng bụng dạ không yên được, lỡ giặc lùng ai dẫn cán bộ chạy”.
Bên cạnh đó, Tnú còn có một tình yêu trong sáng với Mai. Sức mạnh của Tnu được hun đúc bởi tình cảm chất chứa yêu thương trong gia đình nhỏ mà anh là một người chồng, người cha. Nhưng tính chất bi hùng của truyện ngắncó lẽ cũng bắt nguồn từ chính tình yêu ấy. Tnú anh hùng là thế nhưng vẫn không cứu được vợ con khỏi tay bọn giặc. hai con mắt Tnu giờ đây như hai cục lửa lớn, nỗi căm thù tích tụ trong con người anh. “Đồ ăn thịt người!”. Tnú nhảy xổ vào giữa đám giặc nhưng “tối đó Mai chết, đứa con thì đã chết rồi”. Cụ Mết muốn khắc sâu vào tâm trí dân làng Xô Man một sự thật: tnu không cứu được vợ con mình, cụ Mết cũng không cứu được mẹ con Mai bởi cả Tnu và cụ Mết đều chỉ có hai bàn tay không. Ngoài nỗi đau dân tộc, tnu còn đau nỗi đau cá nhân, nỗi đau mất mái ấm gia đình.
Vượt lên bi kịch cá nhân, Tnú quyết tâm gia nhập lực lượng giải phóng, giết giặc trả thù cho gia đình, cho quê hương, góp phần bảo vệ buôn làng dù đôi bàn tay đã bị lũ giặc thiêu đốt bằng ngọn lửa xà nu. Cuộc đời Tnú, tính cách Tnú địa diện cho con đường và bản lĩnh của các dân tộc Tây Nguyên trong khói lửa đấu tranh. Từ câu chuyện về một con người, Nguyễn Trung Thành đã nói lên vấn đề mang ý nghĩa dân tộc: Chỉ có bạo lực cách mạng mới dập tắt được bạo lực phản cách mạng.
Tnú là hình ảnh tiêu biểu cho con người cách mạng mang đậm dòng máu Tây Nguyên, hơi thở Tây Nguyên. Giống như Đăm Săn, Xinh Nhã, Tnú tiếp nối viết nên bản trường ca Tây Nguyên hào hùng.